Bối cảnh Chiến_dịch_Nizhni_Dnieprovsk

Đến cuối tháng 9 năm 1943, tất cả các Phương diện quân Liên Xô đều đã tiến đến bờ trái sông Dniepr, một số tập đoàn quân đã chiếm được các căn cứ đầu cầu bên hữu ngạn Dniepr. Riêng Phương diện quân Ukraina 4 vẫn phải dừng lại trên tuyến sông Molochnaya do vấp phải hệ thống phòng ngự vững chắc của hai tập đoàn quân 6 (Đức) và 3 (Romania) tái lập của đối phương. Trong 4 phương diện quân tham gia Chiến dịch sông Dniepr, Phương diện quân Ukraina 4 được giao chiều sâu nhiệm vụ lớn hơn cả (đến 490 km); địa hình tác chiến chủ yếu là các vùng đất thấp đồng lầy, chỉ có vùng hạ Donbas (ở giai đoạn đầu của chiến dịch) là tương đối thuận lợi.

Địa bàn hạ lưu sông Dniepr có tầm quan trọng rất lớn khộng chỉ đối với toàn bộ phòng tuyến Panther-Wotan của quân đội Đức Quốc xã mà còn có tầm quan trọng đặc biệt đối với Tập đoàn quân 17 (Đức) đóng tại Krym bởi vùng này nằm trên con đường rút lui trên bộ duy nhất của Tập đoàn quân 17 khỏi bán đảo Krym. Vùng hạ lưu sông Dniepr cũng là một trong hai địa bàn quan trọng vây bọc quanh khu công nghiệp Nikopol - Krivoy Rog, khu công nghiệp cuối cùng tại Nam Ukraina còn nằm trong tay quân Đức. Mặt khác, vùng cửa sông Dniepr rất gần với Odessa, một căn cứ hải quân quan trọng ở Biển Đen. Mất căn cứ này và các căn cứ hải quân khác ở bán đảo Krym, hải quân Đức Quốc xã sẽ không còn hy vọng lập được ưu thế trên Biển Đen, điều mà quân đội Đức Quốc xã chưa bao giờ đạt được.